2016-12-04

Nếu đem những tiêu chuẩn chung của thị trường game nước ngoài để áp dụng cho làng game Việt, chúng ta sẽ đôi lúc cảm thấy bối rối vô cùng vì hầu hết thời gian, những thói quen của đại đa số người yêu game chúng ta đều trái ngược hoàn toàn so với nhiều quốc gia khác. Dĩ nhiên chúng ta sẽ không so sánh với Trung Quốc, nơi mà những chuyển động thị trường có phần hết sức tương đồng với Việt Nam, từ thị hiếu, cho tới thể loại game mà họ ưa chuộng.

Cũng có lúc, những game thủ nước ngoài sinh sống tại Việt Nam phải đưa ra câu hỏi, vì đâu người Việt chúng ta có những thói quen quá đỗi kỳ dị như vậy.

Không có auto? Đừng mơ game hot

Đã từng có thời kỳ, auto trở thành chuẩn mực của game nhập vai, hay nói đúng hơn là webgame tại Việt Nam. Miễn là game có auto, không cần biết cách chơi hay đồ họa tệ ra sao, sản phẩm vẫn có thể có cơ hội thành công về mặt doanh thu tại làng game Việt. Đã có quá nhiều những tựa game bị đánh giá là dở tệ trong cả nội dung lẫn lối chơi, chẳng có gì mới mẻ nhưng vẫn có cộng đồng game thủ đông đảo, cùng với đó là những game thủ bỏ tiền thật vào game chẳng hề nao núng.

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên tại làng game online Việt Nam vào khoảng những năm cuối thập kỷ trước dưới dạng những phần mềm tự động train quái trong Võ Lâm Truyền Kỳ, cho tới nay auto đã trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi nhiều… không nhất thì cũng phải nhì trong làng game Việt.

Thế nhưng trở trêu thay, giữa lời nói và hành động của game thủ Việt đôi khi có những sự trái ngược đến kỳ lạ. Sau nhiều năm trời tiếp cận với auto, có vẻ như cộng đồng game thủ Việt đã gần như quên hết những giây phút tự mình mày mò game, tự tìm đường tới một NPC làm nhiệm vụ, và thậm chí là tự đi train từng con quái để lên cấp.

Game bom tấn không dám phát hành

Sau không ít lần kỳ vọng rồi lại thất vọng, khi những tựa game online hay, có chất lượng trên thế giới sau khi được đưa về vận hành ở Việt Nam đều chẳng tìm được thành công cần có, giờ đây chính bản thân game thủ Việt, những người còn ý thức chơi game cũng đã “sợ”, không dám kêu gọi các NPH game trong nước đưa những siêu phẩm về chiều lòng cộng đồng game thủ nữa. Thậm chí, họ còn kêu gọi điều ngược lại!

Một lý do chủ yếu cho thực tế này chính là thói quen chơi game có phần “cả thèm chóng chán” của một bộ phận lớn người chơi game tại Việt Nam. Lấy ví dụ hai ba năm về trước khi những siêu phẩm MMORPG được cộng đồng thế giới đánh giá cao ra mắt game thủ Việt, số lượng người chơi tựa game này tăng một cách đột biến. Thế nhưng, sức hút cũng biến mất nhanh chẳng kém gì so với lúc nó xuất hiện, dần dần cộng đồng game thủ cảm thấy chán nản khi game chẳng có được những điều mà người Việt đã “thân quen”, đến mức không thể xa rời.

Đến lúc này nhiều người chỉ biết ngao ngán thở dài khi những công cụ hỗ trợ hay những tựa game rác đã biến làng game Việt trở thành một nơi khắc nghiệt đến mức này đây.

Với số vốn bỏ ra khổng lồ, ban đầu phản ứng của thị trường đối với những game đỉnh như vậy chắc chắn sẽ không thể tẻ nhạt như khi một webgame 2D sắp ra mắt. Cộng đồng sẽ vô cùng hào hứng tham gia thử nghiệm tựa game. Đến khi đó, bài toán đặt ra cho các nhà phát hành sẽ chuyển dịch từ việc thu hút game thủ tham gia game trở thành việc làm thế nào để giữ chân cộng đồng người chơi mới.

Trước đây khi thời kỳ game client còn hoàng kim, việc này không quá khó khăn. Thế nhưng sau vài năm trời “bì bõm” trong biển webgame với auto trang bị tới tận răng, sẽ vô cùng khó khăn cho nhà phát hành khi thay đổi tư duy game của cộng đồng về một tựa game đình đám nhưng có lối chơi không hề đơn giản vì chiều sâu rất cao.

Ra quán PlayStation chỉ đá PES

Đây cũng lại là một thói quen nhiều người nước ngoài cảm thấy kỳ lạ. Dĩ nhiên đá PES cùng bạn bè rất vui, thế nhưng việc PES hiện diện ở tuyệt đại đa số các quán PS3 mà thậm chí là máy nào cũng “phải đá PES” đúng nghĩa đen lại là điều khiến nhiều người bối rối đưa ra câu hỏi.

Đã từ rất rất lâu, kể từ khi tôi còn là một cậu bé học lớp 2, khái niệm “Bóng Đá Nhật” đã trở thành một thứ gì đó quá đỗi quen thuộc với những người mê game tại Việt Nam. “Trớ trêu” thay, vào thời kỳ máy tính chưa bùng nổ, internet cũng chưa có, thì những cậu bé với tình yêu gần như vô hạn cho hai thứ: Trò chơi điện tử và bóng đá, thứ được thừa kế từ những người ông, những người cha của chúng ta khiến cho tựa game bóng đá do Konami phát triển này trở thành một sản phẩm được ưa chuộng bậc nhất ngay từ những ngày đầu PlayStation xuất hiện tại dải đất hình chữ S.

Và bỗng nhiên, khi nhắc đến PlayStation, chúng ta nhớ ngay tới những trận đấu đầy vui vẻ với bạn bè mỗi dịp cuối tuần. Không chỉ như vậy, mà bản thân những người có nhu cầu chơi thử những tựa game hay độc quyền mới ra mắt trên PS3 hay PS4 đều sẽ không tìm tới các quán game, đơn giản vì thời gian chơi game, khám phá game sẽ tốn không ít thời gian. Nội việc xem phim cắt cảnh hay tìm tới những khu vực mới mẻ trong game sẽ tốn rất nhiều thời gian.

Ngày xưa một sai lầm của cá nhân tôi hồi năm 2008 là… đem đĩa MGS 4 ra quán PS3 chơi. Hậu quả là vì… thiếu tiền, tôi phải bỏ qua rất nhiều đoạn cắt cảnh hay để chơi cho xong, vì thời gian ở đây luôn là tiền bạc, mà thời đó là học sinh, để trang trải cho 10 nghìn Đồng mỗi giờ chơi game cũng không phải điều dễ dàng như bây giờ.

Tạm kết

Thị trường game Việt luôn là nơi những thứ đầy mâu thuẫn tồn tại. Bản thân game thủ Việt hoặc đã quen với việc đó, hoặc nghĩ rằng điều đó là quá mức bình thường ở thời điểm hiện tại nên cũng mặc định chấp nhận điều đó tồn tại. Có những điều không ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng, mà thay vào đó sẽ khiến các NPH phải tự “nắn” để chiều chuộng thị trường. Thế nhưng đôi lúc những thói quen như văng tục hay thói trẻ trâu trong game, nơi “họ làm được thì mình cũng làm được” sẽ khiến cộng đồng đi theo chiều hướng xấu hơn rất nhiều.

The post Giải mã những thói quen kỳ quặc khác người của game thủ Việt appeared first on GameDienThoai.InFo.

Show more